Lâu lâu không viết lách gì về make-up, mình quyết định viết 1 series về cọ. Thực ra kinh nghiệm về cọ của mình cũng không phải là phong phú lắm. Gia tài cọ của mình cũng không phải đồ sộ, cũng là các brand quen thuộc như Elf, Everyday Minerals, Ecotools, Bourjois, Sigma, Real Techniques, Bobbi Brown, Shu, MAC, Dior, Chanel, NARS, Hourglass, Hakuhodo, mỗi hãng có vài cây ^^ chứ không hoành tráng hãng nào cũng có cả bộ đâu. Những điều mình viết cũng chỉ là tổng hợp sau khi tìm hiểu và rút ra từ quá trình sử dụng cọ thôi, cũng không có gì cao siêu cả, nhưng hy vọng sẽ có ích cho bạn nào đang tìm mua cọ hoặc bắt đầu tìm hiểu về cọ. Để viết về cọ thì dài lắm, 1 bài chắc không bao nổi, nên mình sẽ tạm chia thành các phần:
Phần 1: Gới thiệu chung về cọ và cách chọn lựa cọ
Phần 2: Giới thiệu về cọ dùng cho mặt và so sánh các loại cọ mình có
Phần 3: Giới thiệu về cọ dùng mắt, môi và so sánh các loại cọ mình có
Phần 4: Tạm thời chưa nghĩ ra
Tầm quan trọng của cọ trang điểm
Trước đây, mình không quá quan trọng đến cọ. Các cọ tốt hẳn và đắt hẳn như Hakuhodo, Chikuhodo…, thì nói thật là cũng rất thích, nhưng 1 là điều kiện kinh tế không phải quá rủng rỉnh để mua xong vẫn còn tiền làm việc khác, 2 là mấy lần vô duyên order mãi không được nên nản, 3 là bản thân mình chưa phải là con nghiện cọ, nên chi quá nhiều tiền vào cọ thì thấy không được “cam tâm” cho lắm, và 4 là mình thấy các cọ mình đang dùng cũng đủ tốt rồi, nên mình thấy không mua cũng không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Nhưng mà có một vài việc đã khiến mình hoàn toàn thay đổi suy nghĩ và quyết định sẽ mua cọ đắt tiền (Hakuhodo) một cách rất cam tâm tình nguyện:
- Hôm sang make-up cho bạn mình đi chụp ảnh, lần đầu tiên được đụng vào bộ cọ Hakuhodo, dù chỉ là bộ rẻ tiền thôi, nhưng cảm giác khác hẳn luôn, rất khó diễn tả, nhưng sau cuộc gặp gỡ “định mệnh” đó thì mình đã dặn lòng là sẽ đón các em yêu về, chỉ tiếc là phải lâu sau mới đón được vì số mình quá vô duyên với việc đi order T_____T
- Da dẻ của mình, 3 năm gần đây, có dấu hiệu nhảy cảm hơn rất nhiều so với thời trẻ, nên 1 số cọ, mình cảm giác là bắt đầu gây cho mình một sự khó chịu nhất định khi dùng, kiểu như là cảm giác không đủ mềm mại.
Mỗi người một sở thích, bạn này thích son, bạn kia thích phấn, bạn kia nữa thì thích dưỡng da, và có bạn tì mê sưu tầm cọ. Mình tôn trọng tất cả mọi sở thích, nên mình không nghĩ có sở thích nào là lãng phí, là phù phiếm, nếu như bạn hoàn toàn có khả năng kiếm tiền chính đáng để chi trả cho những sở thích đấy. Bản thân mình thì vẫn không phải con nghiện cọ, nhưng mình thích ngắm cọ đẹp, thích trải nghiệm cọ tốt, nên mình cũng cân nhắc và mua các cọ phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
Một chiếc cọ tốt (chứ không phải là đắt tiền), đương nhiên sẽ khiến cho lớp trang điểm của bạn hoàn hảo hơn rất nhiều so với những chiếc cọ “lởm” (không chắc chắn).
Bộ cọ cơ bản
Nếu bạn mới bắt đầu tập sử dụng cọ, hoặc ít make-up, hoặc tài chính không cho phép, thì lời khuyên của mình là bạn không cần phải mua quá nhiều cọ. Hãy mua những cọ thật cơ bản, nhưng đủ tốt để cho lớp make-up đẹp. Theo mình, một bộ cọ cơ bản và đơn giản nên có những loại sau:
- Cọ phấn phủ (số lượng: 1)
- Cọ má (số lượng: 1)
- Cọ kem nền (số lượng: 2 đề phòng bạn dùng xong chưa kịp giặt thì còn có cái sơ cua)
- Cọ mắt (số lượng: 4 (nếu như bạn hơi cầu kỳ) – 1 loại để đánh bầu mắt, 1 loại để đánh mi mắt, 1 loại để nhấn đuôi mắt và 1 loại để blend cho đều. Còn nếu bạn ở mức bắt đầu, thì cần 2 thôi, 1 size to và 1 size bé).
- Cọ môi (số lượng: 1)
Chi tiết về mỗi loại cọ xin được hẹn các bạn vào các bài cụ thể ở các phần sau 😀
Cấu tạo của cọ: có thể chia thành 3 phần chính
- Lông cọ (bristles): Lông cọ có thể được làm từ lông tự nhiên (natural) hoặc lông nhân tạo (synthetic). Các lông của cọ phải được bảo đảm là dán chặt vào phần vòng nối của cọ, để tránh việc lông bị rụng. Phần trên của lông cọ được tạo thành các hình dáng (shape) khác nhau phục vụ cho nhiều mục đích. Lông cọ cũng có thể được nhuộm màu nữa, tuy nhiên nếu khi bạn giặt mà thấy phai màu đáng kể thì có vẻ không được hay ho cho lắm. Khi lựa chọn cọ, trong trường hợp bạn được cầm tận tay, thì hãy ngắm nghía cọ ở mọi góc độ. Một chiếc cọ tốt là một chiếc cọ có phần lông được bó chắc chắn, không có những sợi thò ra hay thụt vào, đầu lông không bị cắt xén, các lông cọ được xếp khá đều và đối xứng. Sở dĩ mình nói là không bị cắt xén, vì khi làm cọ, không phải là sẽ cắt cọ để tạo thành các hình dạng khác nhau đâu ạ. Bạn có thể xem clip này để hiểu về quá trình làm ra 1 chiếc cọ nhé:
Theo như đó thì lông cọ sẽ được túm lại -> định hình đầu cọ -> nhét vào cổ cọ qua đáy -> chỉnh độ dài. Do đó nếu đầu lông cọ mà có dấu hiệu cắt xén, thì thật sự là một chiếc cọ cực kỳ cẩu thả. Tiếp theo, bạn hãy thử kéo hoặc tuốt nhẹ lông cọ ra, nếu thấy một chút lông rụng (1-2 sợi gì đó), thì cũng không nên quá lo lắng vì đây là vấn đề tương đối dễ gặp ở các cọ mới (kể cả cọ Hakuhodo thì hồi đầu mới mua, thử ở showroom, 20 cây thì mình vuốt thử thấy đến 15 cây là có rụng 1 sợi lông, còn cọ mà mình mua về nhà, bóc ra, vuốt ve mân mê rồi cũng bị rụng). Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, những cây cọ tốt đương nhiên sẽ không tiếp diễn tình trạng rụng lông tơi tả thường xuyên (Cái này thì chắc phải mua về, dùng nhiều, giặt nhiều thì mới biết được). Tiếp đến, dù là cọ lông tự nhiên hay cọ lông nhân tạo, hãy lướt thử vài đường cọ lên mặt, hoặc chí ít là trên tay bạn. Nếu cảm thấy lông cọ gờn gợn, không mềm, cứng cứng thì mình nghĩ thật sự là không nên mua. Hoặc nếu có một mùi lạ ở lông cọ dù đã giặt nhiều lần, bạn nên xem xét lại chiếc cọ đó. Một vấn đề quan trọng khác, quyết định nhiều đến giá thành của cọ, là nên chọn lông cọ là lông tự nhiên hay lông nhân tạo, mình sẽ làm 1 mục ở phía dưới nhé, vì phần này mình nghĩ khá quan trọng, và nhiều bạn sẽ quan tâm.
- Cổ cọ (ferrule): là phần vòng kim loại có tác dụng định vị lông cọ, nối lông cọ và cán cọ. Các loại kim loại được sử dụng có thể được làm từ nhựa (cái này thì hiếm), các loại chống rỉ như nhôm (loại này cũng rẻ tiền thôi), hợp kim đồng và niken (dễ bị xỉn) hoặc thậm chí được mạ vàng (chẹp chẹp). Một chiếc cọ tốt thường sẽ có phần cổ là ống liền không có vết nối. Hãy bóp thử phần cổ của kim loại. Nếu nó có thể bị uốn cong hoặc bị móp khi bạn tác động bằng tay, chắc chắn là không nên mua chiếc cọ đó. Thêm một điều nữa, bạn có thể làm được để thử độ chắc chắn của cọ: 1 tay cầm nhẹ vào phần vòng nối bằng kim loại, tay còn lại cầm vào cán của cọ và rung rung thử. Nếu cảm nhận được sự lỏng lẻo giữa 2 bộ phận này, có thể loại luôn chiếc cọ đó. Một chiếc cọ lỏng lẻo không thể nào giúp bạn make-up được tốt.
- Cán cọ (handle): được làm từ gỗ, kim loại, acrylic…., thường thì sẽ được in logo thương hiệu và các thông tin khác của cọ (như mục đích , ký hiệu tên…). Cán của cọ không nên quá to hoặc quá bé, không cũng nên quá nặng hoặc quá nhẹ, không nên quá trơn hoặc quá rít, phải được gắn thẳng trục so với cổ cọ, không được cong queo, lớp véc ni hay lớp sơn trên cán cọ không bị bong tróc. Tóm lại là phải tạo ra được sự thoải mái khi cầm thì mới có thể thoả sức múa cọ được ^^
Cách chọn lựa cọ: Giữa ma trận cọ như bây giờ, đương nhiên là rất khó để lựa chọn nếu như bạn là “ma mới”. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng, hãy xác định những tiêu chí sau đây khi mua:
- Khả năng tài chính: Bạn định mua cọ với mức tiền là bao nhiêu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bạn mua được cọ lông tự nhiên hay cọ lông nhân tạo, cọ của các hãng chuyên nghiệp hay cọ từ các hãng bình dân ở drugstore. Cọ drugstore thì chắc chắn sẽ rẻ nhất rồi, còn cọ lông tự nhiên thì đương nhiên đắt hơn là cọ lông nhân tạo.
- Hình dáng đầu lông cọ: Mỗi hình dáng của đầu lông cọ sẽ có những mục đích riêng (1 số loại phổ biến như vuông – square, góc cạnh – angled, nhọn – tapered, mái vòm – dome, blunt, điểm – point, nghiêng – slant, tròn – round, phẳng – flat…). Bạn nên xác định rõ là mình muốn mua để nhằm phục vụ cho mục đích gì. Cùng là cọ kem nền nhưng phần lông cọ càng bó chặt và ngắn thì sẽ càng cho lớp nền dày hơn so với phần lông dài và thưa hơn. Tiếp đến, một điều quan trọng nữa, là đầu của cọ tốt phải giữ nguyên được hình dạng sau khi tiếp xúc với mỹ phẩm.
- Kích thước: Cái này cũng rất quan trọng. Nếu bạn có khuôn mặt bé, đừng tham mua những cọ có kích thước to, cầm sẽ khó và lướt trên mặt cũng sẽ hơi bị quá cỡ. Nên chọn cọ có kích thước đầu lông cọ phù hợp với khuôn mặt của bạn và cán cọ phù hợp tay bạn để cầm được dễ dàng, thoải mái.
- Da của bạn: Da càng nhạy cảm thì càng cần loại cọ có lông thật mềm, thật mềm :p Nói vậy không có nghĩa là da nhạy cảm thì chắc chắn hợp với cọ lông tự nhiên nhé, cái này mình sẽ nói ở phía dưới.
Lông tự nhiên – natural
Cũng giống như tóc của con người, lông tự nhiên (của động vật) cũng có kết cấu biểu bì giống như vảy cá, do đó khi chạm vào phấn, các lớp biểu bì dạng vảy cá này sẽ dễ bắt phấn cũng như giữ phấn tốt hơn. Ngoài ra, độ mềm mại cũng là một ưu điểm vượt trội của cọ lông tự nhiên.
Sóc (squirrel)
Lông của sóc có kết cấu đẹp, mỏng nhẹ, cực kỳ nhẹ nhàng và mềm mại trên da. Loại có chất lượng cao nhất, đắt tiền nhất là lông được lấy từ sóc xanh và sóc xám, có nguồn gốc từ Nga. Mặc dù lông sóc tương đối mỏng nhưng nó vẫn có một ‘bụng’ dày do đó có hình dạng hình nón. Đặc tính độc đáo này của lông sóc các cọ lông sóc cực kỳ mềm mại và và sự khao khát của những ai yêu thích cọ. Chỉ những con sóc có bộ lông dài mới có giá trị và phù hợp để làm cọ trang điểm thôi nhé, không phải con sóc nào cũng được đâu ạ =)
Chính vì ưu điểm cực mềm dễ uốn lượn ngay với cả áp lực nhỏ nhất, có khả năng giữ nước tốt nên cọ lông sóc cũng được sử dụng làm cọ màu nước trong việc vẽ tranh màu nước.
Cọ làm từ lông của sóc xanh rất mềm mại và tinh tế vì có kết cấu hợp lý nhất trong số các sợi lông tự nhiên. Nó được sử dụng trong làm cọ phấn phủ, cọ hoàn thiện (finishing brushe), cọ má hồng, tóm lại là những thứ cần phẩy phẩy nhẹ nhàng
Lông của sóc Canada ngắn hơn so với lông của sóc thông. Cọ làm từ lông của sóc Canada khá tinh tế, dễ dàng để tạo hình dáng, và khá đàn hồi, được sử dụng cho cọ mắt và cọ highlight
Lông của sóc Kazakhstan khá hiếm và đắt tiền, có ưu điểm là nhẹ nhàng hơn so với lông của sóc xanh, hợp với cọ dùng cho dạng bột thât nhẹ nhàng, ví dụ như cọ mắt hoặc cọ highlight
Lông sóc thông (tạm dịch là vậy vì không biết dịch như nào khác) rất mềm mại và tinh tế nhưng khá khó khăn để bó lại, phù hợp với cọ mắt có tác dụng làm smudge (làm cho nó hơi lem lem ra một chút)
Lông của sóc cây khá giống với lông của chồn: khá thô và đàn hồi. Nó chủ yếu được sử dụng cho cọ mắt hoặc cọ dùng với sản phẩm có dạng lỏng
Lông dê cũng có cấu biểu bì giống như vảy cá nhưng khúc chiết và cơ động hơn (có các điểm chấm nhọn mềm mại ở đầu sợi lông), do đó bên cạnh việc bắt phấn và giữ phấn tốt, khi tán phấn, các sợi lông sẽ chụm lại tạo cảm giác mềm hơn so với cọ lông ngựa, lông chồn. Một ưu điểm khác của các loại cọ làm bằng lông dê là độ bền và độ đàn hồi cao. Cọ từ lông dê, có độ mềm vẫn kém hơn so với cọ từ lông sóc, nhưng vì có độ mềm mại nhất định và phù hợp với nhiều mục đích, nên là một sự lựa chọn kinh tế nếu bạn vẫn muốn có chiếc cọ lông tự nhiên mềm mại và không quá đắt tiền.
Nếu bạn muốn tìm cọ lông dê cho sản phẩm chất lỏng hoặc ở dạng kem (ví dụ như cọ nền), bạn nên chọn loại cọ lông dê màu trắng (bạn có thể sử dụng cọ lông dê màu đen, nhưng điều này không được khuyến khích lắm, bởi vì màu đen là màu sau khi đã được nhuôm. Tuy không phải là một vấn đề lớn nhưng khả năng thuốc nhuộm bị phai ra là điều hoàn toàn có thể xảy ra, chưa kể việc lông nguyên thuỷ màu trắng của dê, cũng mềm mại hơn hẳn so với lông màu đen đã qua xử lý hoá chất). Đặc biệt, cọ lông dê mix với cọ lông nhân tạo là lựa chọn cực kỳ hoàn hảo cho cọ kem nền.
Một số loại lông dễ thường được sử dụng như:
Sokoho – 租光峰(lông ở phía dưới cổ họng dê): có độ đàn hồi và độ bền vừa phải
Saikoho – 細光峰 (lông trên cơ bắp của lưng dê): là phần lông có chất lượng cao nhất trong số các loại lông dê, mềm mại và tinh tế hơn so với Sokoho. Loại này khá hiếm và đắt tiền
Saichoho – 細長鋒: tương tự như Sokoho nhưng hơi thô hơn
Ototsuho – 黄尖峰: lông lấy từ phần vai của dê, ngắn, mỏng có kết cấu, độ đàn hồi và màu sắc đẹp, đặc biệt phù hợp cọ má
Yano – 羊尾 (ヤンオ): lấy từ phần đuôi dê, chịu được nước, thích hợp cho các sản phẩm dạng lỏng
Việc xác định lông của cọ làm từ dê gì, bộ phận nào nhiều khi không được nhà sản xuất ghi chú, và đôi khi đơn giản được gọi là dê “capra” – loại có lông lmềm nhất, đem lại chất lượng khá tốt được ví như ” thay thế cho Squirrel”.
Họ nhà chồn – Mustelidae (weasel/kolinsky/pahmi)
Lông chồn Kolinsky (コリンスキー )có kết cấu tinh tế và giữ hình dáng tốt hơn so với lông chồn hương vì lông dài, nhọn, thon, đàn hồi rất tốt, giữ nguyên hình dạng và bền. Có hai giả thuyết về xuất xứ của loài chồn Kolinsky. Giả thuyết thứ nhất cho rằng Kolinsky(колинский) là tính từ của Kola (Кола) – một bán đảo tây bắc thuộc tỉnh Murmansk của Nga. Nơi này đã từng tồn tại một giống chồn quý hiếm, tuy nhiên hiện nay đã tuyệt chủng. Giả thuyết thứ hai cho rằng Kolinsky là tính từ của kolonok (колонок) – một giống chồn sống ở Siberia. Loại chồn này có đặc điểm khá đặc biệt là chỉ cho bộ lông đẹp khi nó sống tự do trong thiên nhiên. Do đó, muốn có bộ lông chất lượng thì phải bẫy vào mùa đông, lúc bộ lông có màu nâu phớt đỏ, chứ không thể lấy bằng cách nuôi. Giá lông chồn Kolinsky sống tại Siberia khá hiếm và cực đắt đỏ, phụ thuộc vào độ dài của nó, và có thể lên tới 16.000 USD/kg. Loại chồn hương lông đỏ được tìm thấy tại Trung Quốc có giá rẻ hơn, màu đậm hơn, có chất lượng gần nhất với lông chồn nhưng không mịn và không có độ đàn hồi tốt bằng. Một điều đáng buồn nữa là bắt đầu từ năm 2013,Mỹ bắt đầu thu giữ cọ từ Kolinsky vì Công ước về buôn bán quốc tế các loài hoang dã Fauna & Flora để bảo vệ hơn 35.000 loài động vật và thực vật. Tóm lại là cứ dính dáng đến Kolinsky thì đừng hòng được bán ở Mỹ 🙁
Lông Pahmi ngắn hơn so với lông chồn, do vậy thường được mix cùng với lông chồn và lông từ bờm ngựa
Lông của chồn hương (weasel – イタチ) khá tinh tế, có độ đàn hồi và độ bền cao, bắt phấn và lên màu tốt, dùng được với cả các sản phẩm dạng gel hoặc lỏng. Nó được sử dụng rộng rãi cho cọ môi, cọ kẻ mắt, cọ che khuyết điểm và cọ mắt
Ngựa (horse/pony)
Lông ngựa khó để bó. Vì ngựa rất dễ để có thể tìm thấy, nên cọ làm từ lộng ngựa thường có giá thành rẻ và được sử dụng rộng rãi. Loại cọ kết hợp từ lông ngựa với các loại lông tự nhiên khác có tính đàn hồi và độ bền tương đối tốt, phù hợp với cọ má hoặc cọ mắt. Phần lông ngựa được sử dụng để làm cọ là từ bờm và đuôi của ngựa sẽ tốt hơn so với những phần khác.
Nhím nước (water badger)
Lông của nhím nước thô, dày và đàn hồi trong khi phần đầu rất mỏng, do đó thường chỉ phù hợp làm cọ lông mày.
Mèo (Tamage – 玉毛)
Lông mèo có đầu linh hoạt nhất, do đó dễ dàng để kiểm soát và khá bền, đặc biệt giữ màu tốt. Lông mèo thích hợp cho cả hai sản phẩm kết cấu lỏng hoặc bột. Vì độ dài của loại lông này ngắn nên thường được sử dụng chủ yếu cho cọ mắt.
Độ mềm và giá tiền của các loại lông tự nhiên
Lông nhân tạo/tổng hợp – synthetic
Lông nhận tạo là loại lông có bản chất từ sợi polyester. Lông nhân tạo không có có kết cấu biểu bì như lông tự nhiên, bền mặt nhẵn nhụi, do đó bắt phấn và giữ màu kém hơn lông tự nhiên.
Các loại cọ lông nhân tạo đầu tiên trên thị trường sử dụng nylon nên có chất lượng khá cứng, sợi phẳng, do đó bắt phấn rất kém.
Sau này, taklon (được phát triển bởi DuPont – công ty hóa chất của Mỹ có trụ sở tại Delaware, sau này được hãng Toray của Nhật Bản mua lại bản quyền) được làm từ polyester nhiệt dẻo – PBT – polybutylene therephthalate – để bắt chước các đặc điểm của lông chồn tự nhiên. Sợi taklon được làm thành nhiều kích cỡ khác nhau, từ 0.08 mm đến 0.2 mm. Đường kính của nó ảnh hưởng đến độ cứng hay mềm mại của lông. Sợi taklon có màu trắng hoặc vàng, tuy nhiên màu trắng được coi là dạng tinh khiết nhất và có chất lượng cao hơn.
Đến năm 2010, lại là hãng DuPont, một lần nữa giới thiệu Natrafil – tmột sợi polyster và roughs có bề mặt có cấu trúc giống lông tự nhiên, và được chứng mình rằng khả năng bắt phấn tốt hơn lông dê và lông ngựa, đồng thời có độ bền vượt trội của lông nhân tạo.
Ưu điểm của lông nhân tạo có thể kể đến như
- Khó có thể bị phân huỷ bởi các dung môi, côn trùng hay các loại sơn
- Có độ trơn nhất định vì không có kết cấu biểu bì, do đó dễ dàng làm sạch
- Dễ dàng khôi phục lại hình dáng hơn sau khi được làm sạch
Lựa chọn cọ lông tự nhiên hay cọ lông nhân tạo: Các công nghệ tiên tiến luôn không ngừng tìm tòi, phát triển các loại lông nhân tạo có tính chất ưu việt kết hợp ưu điểm của lông tự nhiên lẫn lông nhân tạo, còn các động vật quý dùng để làm lông tự nhiên đang có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đối xử tệ, bạn sẽ chọn loại nào? Nói như vậy không phải mình lên án bất cứ một loại nào trong 2 loại trên. Để lựa chọn loại nào, ngoài việc phụ thuộc sở thích, bạn cũng nên xem xét đến một số yếu tố sau
- Vệ sinh và làm sạch: Cọ lông nhân tạo có bề mặt trơn tru, không gồ ghề nên sẽ dễ dàng vệ sinh và làm sạch hơn. Ngược lại, cọ lông tự nhiên có một bề mặt lông không đều, do đó các tế bào da chết, vi khuẩn và hóa chất khó để có thể làm sạch được.
- Nguy cơ kích ứng: Cả 2 loại đều có nguy cơ gây kích ứng đối với các làn da nhạy cảm. Lông tự nhiên tuy mềm thật, nhưng không phải là không có khả năng gây ra kích ứng. Ngoài việc lông động vật cũng khá dễ gây kích ứng với những làn da nhạy cảm, thì như đã nói ở trên, việc khó làm sạch hoàn toàn cọ lông tự nhiên góp phần khiến chất bẩn, vi trùng vẫn đọng lại ở lông cọ, và gây ra kích ứng là hoàn toàn có thể.
- Độ phục hồi: Sau khi làm sạch thì cọ lông tự nhiên lâu khô hơn, và đồng thời sẽ khó lấy lại hình dáng ban đầu hơn so với cọ lông nhân tạo.
- Lý do nhân đạo: 1 trong các lý do khiến việc sử dụng cọ lông tự nhiên bị lên án, là do xuất phát từ lý do nhân đạo (cọ lông tự nhiên thường là từ lông động vật). Theo PETA, mỗi năm, hàng triệu con vật bị mắc kẹt, bị chết đuối, và bị đánh đập đến chết trong tự nhiên, hoặc bị bóp cổ, điện giật, bị đánh đập và lột da sống trong các trang trại lông thú. Lông ngựa thường thu được từ ngựa bị giết mổ thịt. Lông của sóc thu được từ quá trình săn bắt, lông của dê được cắt giống như lông của cừu. Các công nhân thường được trả tiền theo khối lượng lông thu được, vì vậy họ cắt lông dê rất nhanh chóng, và điều này rất dễ dẫn đến gây ra các vết thương nghiêm trọng cho dê. Thêm vào đó, nhiều cọ lông tự nhiên được sản xuất ở các nước đang phát triển – nơi có rất ít hoặc không có chế độ phúc lợi đối với động vật, do đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chúng. Lý do này thì tuỳ quan điểm của mỗi người. Mình thì có đọc được ở một tài liệ nào đó (giờ tìm lại không thấy) là việc thu lông của động vật để làm cọ không nhất thiết phải giết chết con vật đó, do đó không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề nhân đạo. Tuy nhiên thì mình không chắc lắm vấn đề này. Mong rằng như vậy.
- Mục đích sử dụng: Nếu để dùng cho dạng bột, thì cọ lông tự nhiên bắt phấn tốt hơn rất nhiều so với cọ lông nhân tạo; ngược lại với dạng kem nền, lỏng, thì cọ lông nhân tạo hoặc mix giữa cả 2 loại lại được yêu thích hơn.
- Chi phí: Cọ lông tự nhiên có giá đắt hơn so với cọ lông nhân tạo.
- Bảo quản: Cọ lông tự nhiên có yêu cầu bảo quản khắt khe hơn so với cọ lông nhân tạo.
Hy vọng bài này sẽ có ích với các bạn đang bắt đầu tìm hiểu về cọ. Kiến thức mình cũng chỉ có bấy nhiu thôi, thiếu với chỗ nào chưa chính xác thì các bạn bổ sung nhé :p Vì mình cũng không phải con nghiện cọ, nên kiến thức cũng chỉ ở mức vỡ lòng thôi ^^
Hẹn các bạn ở các phần tiếp theo, nói về từng loại cọ và review cụ thể kèm so sánh.
15 Bình Luận
Cảm ơn em, he he. C thì ko quá nghiện đâu, nhưng cũng thích mua về, ngắm nghía, nghịch ngợm =)
April 3, 2015 at 1:49 PMUầy, đọc bài này của chị xong em mở mang kiến thức về lông cọ hẳn ra :))). Nghe chị miêu tả cọ Hakuhodo làm em cũng muốn được sờ thử xem sao quá xD.
April 3, 2015 at 3:41 PMÀh, chị có mua cái bảng để treo cọ sau khi giặt ko ạh :))?
c có mua em ạ he he
April 3, 2015 at 9:32 PMT chưa biết cái bảng này, bạn biết bài sau thì nhớ giới thiệu e nó nhé, công nhận nhìn mấy e cọ xinh xinh yêu yêu k chịu đc
April 3, 2015 at 10:59 PMokie okie xD
April 3, 2015 at 11:42 PMBạn viết hay quá. Mình mới order bộ cọ Real Techniques, không biết có tốt không nữa. Để khi nào có điều kiện phải thử 1 bạn Hakuhodo xem mới được. Chờ các bài tiếp theo của bạn về các bạn cọ. Chúc bạn luôn vui.
April 3, 2015 at 4:45 PMCảm ơn bạn :p Hy vọng cọ Real sẽ hợp vs bạn để ko phải chi thêm tiền mua cọ mới, hay là nên hy vọng cọ ko hợp để đầu độc mua cọ hakuhodo đây :p
April 3, 2015 at 9:33 PMCọ hakuhodo tuyệt vời nhưng mỗi tội oder do chuẩn xác , hix thank ban nhiu nhiu
August 20, 2015 at 9:56 AMtầm hiểu biết của chị Bob cao siêu quá c ơi :O
April 4, 2015 at 4:15 AMbài này của chị đã giúp cái đầu ngu dốt về makeup của em được nhìn ra 1 tầm cao mới <3 <3 <3
thanks c rất nhiều :*
ôi, cũng chỉ là chăm mày mò đọc thôi, chứ ko cao siêu đâu em ơi. C cũng chỉ là vỡ lòng a b c thôi í T______T
April 4, 2015 at 6:13 AMÔi thích quá ạ. Đọc bài cũa chị mà cứ như em được mở ra một chân trời mới về thế giới cọ, không chỉ cầm cọ quẹt quẹt hay hình dáng bắt mắt mà còn là cả một công nghệ với sự đầu tư cực kì nghiêm túc đến từng cọng lông T__T
Chị cho em làm fan chị nha ^o^
April 14, 2015 at 5:14 PMHy vọng bài này có ích với em 🙂
April 15, 2015 at 12:44 AMHello,
Cám ơn bài viết của bạn. Bài viết rất hữu ích. Mình đang kiếm một cây cọ để đánh màu mắt. Hiện tại mình đang dùng Real Tech. nhưng mình không thích lắm vì nó khiến mắt mình hơi đau và rất khó chịu. Lúc đầu mình định mua Sigma do nhiều người nói cọ của Sigma cũng tốt lắm nhưng mình vẫn phân vân chưa dám mua. Sau khi đọc bài viết của bạn mình biết ngay mình muốn có một cây cọ đánh màu mắt của Hakuhodo lông sóc xanh. Bạn có thể giúp mình lựa một cây cọ đánh màu mắt nào tốt không? Mình thây trong website hakuhodousa.com có rất nhiều model quá, không biết phải chọn model nào mới phải. Bạn có thể giup/tư vấn dùm mình được không? Cám ơn bạn rất nhiều… 🙂
April 30, 2015 at 9:54 AM[…] Các bài viết cơ bản về cọ đã có nhiều rùi, các bạn có thể đọc bài của chị Bob (đợi mãi không thấy phần 2 T.T) hay của các chị Love At First Shine nhé, còn […]
May 27, 2015 at 10:31 PMcọ của hãng nào thì đc làm bằng lông sóc hả bạn, mình đang dùng cọ shiseido nhưng lúc hỏi năm 2010 thì bảo làm = lông chồn, năm 2013 hỏi thì nói làm = lông ngựa. mình ko biết sao
June 25, 2015 at 12:47 PM